Vịnh Xuân Quyền chính là con đường tôi chọn
Vịnh Xuân Quyền chính là con đường tôi chọn

Thưa các bạn!

Như đã nói ở các bài trước, tôi luôn muốn cố gắng giới thiệu tới các bạn những bài tập hay về Vịnh Xuân Quyền, những lý thuyết thực tế để mọi người có thể coi nó như một kho thư viện nghiên cứu của chính mình. Nhưng tôi lại không coi đó là sự hướng dẫn hay cách chỉ dạy của tôi, bởi vì chỉ đơn giản đó không phải là công việc của tôi.

Diệp Vấn sang Mỹ
Diệp Vấn sang Mỹ

Ba năm tập quyền, hai năm cho binh khí đến bây giờ tôi cũng đã nắm được cái hình của nó, và rồi những năm về sau nữa là thời gian để tôi có thể rèn luyện kĩ càng hơn. Quan trọng hơn cả tôi cần một hệ thống bài bản và đầy đủ để có thể đồng hành cùng tôi đi trên con đường Vịnh Xuân Quyền. Và dù tôi có học Đông học Tây ở đâu đi chăng nữa thì việc bám sát vào các bài tập của thầy trên lớp là điều tôi thấy quan trọng nhất đối với tôi.

“Không nên đặt hai chân trên hai con thuyền,…” – theo Master

Cần gì?

“Practicing to stay relaxed during our Wing Chun training, teaches us to stay relaxed during our daily activities at work and in our community, so we can deal with problems in a calm and rational way” – Theo lời của sư phụ Diệp Chuẩn.

Đúng vậy, tôi luyện tập Vịnh Xuân Quyền là để tìm đến sự thư giãn, thoải mái của tâm trí mình, Vịnh Xuân dạy cho tôi cái cách mà tôi sẽ giải quyết các vấn đề của mình trong cuộc sống, trong công việc “Bình tĩnh và thấu đáo”.

Trong Vịnh Xuân có tính Phật, nếu như các bạn đã tập Tiểu Niệm Đầu sẽ thấy có động tác gọi là “Tam bái Phật” (đẩy Phục thủ ra 3 lần rồi chậm rãi thu về bái Phật – Hộ thủ trước ngực), tập càng lâu tâm càng phải tĩnh, không dễ dàng rung động, lay chuyển. Cái hay của việc tập võ là nó rèn luyện ý chí phấn đấu của bạn, động tác càng khó càng thúc đẩy bạn phải vượt qua, và từ đó bạn áp dụng vào trong cuộc sống hàng ngày của bạn.

Con đường Vịnh Xuân Quyền

Những năm tháng tập luyện của tôi chẳng phải là khổ luyện gì, thậm chí có đôi lúc tôi còn bỏ qua, ngắt quãng. Nhưng trong tâm trí tôi thì không bao giờ từ bỏ. Và chỉ cần có ý chí, thì sẽ có con đường.

Đôi điều chia sẻ

1. Đừng bỏ cuộc

Đây là điều tôi muốn nói đến đầu tiên. Rất nhiều bạn đến với Vịnh Xuân Quyền qua những bộ phim của Diệp Vấn và cũng rất nhiều bạn “dứt áo ra đi” từ những bộ phim đó.  Đọng lại trong ta là cái gì? Không gì cả ngoài quãng thời gian phung phí.

Văn ôn thì võ phải luyện, một ngày không tập là dừng lại, hai ngày không tập thì tự mình đi giật lùi. Tôi kiểm chứng luôn điều này, việc không thường xuyên luyện tập cộng với công việc ở văn phòng “ngồi nhiều hơn đứng” khiến tôi trở nên mập mạp và chậm chạp. Điều đó thật chẳng hay ho gì mà kể ra nhưng hi vọng các bạn hiểu cho rằng: “Không sức khỏe, không làm được gì cả”.

Trong cái xã hội lúc nào cũng phải “vắt 2 chân lên cổ” này thì… hãy cố gắng sống chậm lại một chút, để có thể thấy chân trời rộng mở hơn. Hãy uống một ngụm trà, ăn một miêng bánh và tiếp tục với những niềm đam mê của mình.

2. Dục tốc thì bất đạt

Bạn đã thấy những sư phụ có cú đấm rất nhanh, cú đá rất mạnh, những cú nhảy xa và khả năng bê vác, chịu đựng hơn người. Bạn biết đấy, để đạt được những thành tựu như thế họ đã phải trải qua những quá trình luyện tập gian khổ. Những tấm gương như thế bạn có thể tìm thấy khắp mọi nơi xung quanh bạn.

Didier Beddar: 14 tuổi ông rời Pháp và “khăn gói quả mướp” sang Trung Quốc để theo học Bắc Thiếu Lâm.

Ờ! Khi bạn nóng lòng muốn làm việc thật mau chóng có kết quả, là khi đó tâm của bạn sẽ vội vã, bạn sẽ dễ dàng rơi vào trạng thái rối ren, hoảng loạn, điều đó khiến cho công việc của bạn trở nên phức tạp. Kết quả lại khiến cho việc của bạn không thành, thậm chí còn bị làm hỏng.

Vì vậy, muốn nhanh thì hãy từ từ, nên bắt đầu từ những thứ căn bản.

3. Hệ thống

Sư phụ từng nói: “Nếu đã tập xong hết các bài vũ khí rồi thì quay lại tập Tiểu Niệm Đầu.”

Đó là một vòng tròn, mà vòng tròn thì làm gì có giới hạn. Nếu tôi đang ở cuối của vòng tròn thì cũng có nghĩa tôi đang bắt đầu của vòng tròn đó. Vịnh Xuân cũng thế, tập rồi thì tập lại.

Ba năm học quyền, hai năm tập binh khí cũng chỉ là bước khởi đầu, quan trọng hơn hết là tôi cần phải xây dựng cho mình một hệ thống hoàn chỉnh, từ dễ đến khó, từ thấp lên cao. Không quá lan man, không nên đứng núi này trông núi nọ, kiên trì rèn luyện, có như vậy tôi mới thành công trên con đường rèn luyện của mình.

“Luyện võ không luyện công, đến già cũng như không.”

4. Mở rộng

Ngày nay với công nghệ và internet việc tự nghiên cứu và học hỏi được hỗ trợ rất nhiều, chúng ta có thể tham khảo và biết thêm được nhiều thông tin, kiến thức mới. Hãy  tận dụng những ưu thế đó để bổ sung và làm giàu thêm kiến thức về võ học của bản thân.

Nhưng cũng xin lưu ý, những kiến thức trên mạng thường không đầy đủ và mang tính chất giới thiệu nhiều hơn. Bạn có thể dễ dàng nắm bắt được cái hình, nhưng võ thuật thì không thể chỉ dựa vào cái hình được, đúng không nào? Cần phải tới lớp, tới CLB hay võ đường, ở đó có thầy có bạn cùng tập các bạn mới có thể tiến bộ và “ngộ” ra được nhiều vấn đề.

5. Cân bằng

Bạn có thể thấy rất nhiều đường quyền đẹp mắt trên phim ảnh nhưng lại ít khi thấy được chúng ở ngoài đời thật, đơn giản vì võ thuật thực tế không phải như võ thuật trên phim ảnh.

Nhưng võ thuật đâu phải chỉ có đánh đấm, nó còn cho chúng ta thấy nét đẹp trong tâm hồn mỗi người, nó dạy cho ta sự tự tin trước đám đông để hòa đồng, nó dạy chúng ta biết đứng lên sau mỗi lần vấp ngã, nó “đúc” cho chúng ta một ý chí kiên cường để vượt qua khó khăn, thử thách. Nó đơn giản và chẳng hề cao siêu tới mức độ thần thánh đâu nhỉ? ?

Ở đâu đó, chúng ta vẫn thấy được những tấm gương giúp đời, giúp người mà có khi cả đời họ chẳng bao giờ cần phải tập một miếng võ nào.

Khi nhìn vào những điều tốt đẹp, luôn suy nghĩ về những điều tích cực thì khi đó tôi mới có những suy nghĩ và hành động tích cực. Phim võ thuật cho ta thấy những điều tích cực trong cuộc sống, những bài học nhân văn và rồi cái thiện luôn chiến thắng cái ác…

Con đường võ sĩ hay nghệ thuật đều đẹp. Nếu là võ sĩ hãy bước lên và giành chiến thắng, nếu là nghệ thuật hãy cho ra đời những tác phẩm võ thuật đỉnh cao. Và rồi chúng ta tự cân bằng bản thân như không bao giờ đổ được.

Cuối cùng

Trên đây là đôi điều chia sẻ của tôi về quá trình luyện tập môn võ Vịnh Xuân Quyền của mình, hy vọng rằng nó có thể mang tới một vài điều hữu ích cho bạn. Con đường luyện tập còn lâu dài, lấy thước đo bằng năm tháng chỉ để lại một lời chúc: “Một ngày vui vẻ và luyện tập chăm chỉ!”

Thân ái!

Chia sẻ của lớp học vịnh xuân

2 BÌNH LUẬN

Trả lời 5 dụng cụ trong Vịnh Xuân Quyền bạn phải có - Café Kiểu

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.