Home Đời sống Sách cũ, tiếc nuối những điều đã cũ…

Sách cũ, tiếc nuối những điều đã cũ…

0
Sách cũ, tiếc nuối những điều đã cũ…

Thời đại bây giờ khi nghĩ tới việc đọc một cuốn sách, đa phần mọi người đều sẽ đọc bằng Ebook, cho nhanh, cho tiện, không mất nhiều thời gian đi tìm kiếm mà muốn đọc lúc nào cũng được, lại không phải mang vác cồng kềnh, vì chỉ cần mở điện thoại ra là đã có thể đọc ngay được. Đúng vậy! Mỗi thời mỗi khác, xã hội ngày càng hiện đại, thì việc đọc sách cũng phải trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn là điều dễ hiểu. Thế nhưng không hiểu sao tôi lại cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ về những con đường bán sách cũ vang bóng một thời rồi sẽ đi về đâu…

Thời huy hoàng của sách cũ:

Nhớ lại cách đây vài năm, khi sách điện tử còn chưa phổ biến, thì vẫn là thời vàng son của sách. Trên đường, chúng ta dễ dàng nhìn thấy hình ảnh những xe bán sách lưu động hay những người bày bán sách trên lề đường. Còn nếu vào những khu bán sách cũ sẽ bắt gặp hình ảnh người mua người bán nhộn nhịp xôn xao. Trên những con đường chuyên bán sách cũ lâu đời của Sài Gòn phải kể tới là đường Trần Nhân Tông (Q.10), Trần Huy Liệu, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Văn Sĩ (Q.3) hay Nguyễn Thái Sơn (Q. Gò Vấp). Đây đúng là thiên đường về sách với đủ thể loại khác nhau, từ sách mới, sách cũ đã qua sử dụng đến những quyển sách cổ có giá trị lịch sử từ lâu đời và rất quý hiếm (xuất bản vào những năm 1945 hay 1975) cũng có thể tìm thấy ở đây.

Một cửa hàng sách cũ trên đường Trần Huy Liệu Nguồn staticflickrcom

Tôi còn nhớ thời còn đi học, đa phần khi cần tìm những đầu sách phục vụ cho việc học, nghiên cứu hay thậm chí là những bộ truyện tranh đã cũ, thiếu một vài cuốn là cứ rủ nhau vào nhà sách cũ trước đã, nếu tìm được, thì vừa mua được với giá rẻ phù hợp túi tiền sinh viên mà nếu kiên nhẫn chọn lựa thì có thể chọn được những quyển sách còn mới toanh. Có lẽ đối với thời đó, ghé nhà sách cũ không hẳn là để phục vụ cho nhu cầu mà còn là một thú vui. Việc đi đến từng nhà sách tìm kiếm và tìm thấy được một quyển sách ưng ý thì thật vô cùng vui sướng. Mà những ông chủ bà chủ tiệm lại vô cùng nhiệt tình, bởi họ cũng là những người yêu sách, nâng niu từng cuốn sách như những đứa con tinh thần, dù cho nó đã cũ. Chỉ cần hỏi thì họ sẵn sàng tìm giúp và biết ngay nó nằm ở đâu trong hàng ngàn cuốn sách nằm ngổn ngang hay trên những kệ sách đầy ắp. Nếu có thời gian trò chuyện, chúng ta còn được những ông bà chủ thân tình kể lại “câu chuyện” làm sao để có được quyển sách đó.

Đi vào những cửa hàng bán sách cũ để trải nghiệm chúng ta sẽ nhận ra được rằng để có được một cửa hàng bán sách cũ như thế cũng lắm gian truân. Mua sách cũ cũng kỳ công lắm chứ không phải đơn giản đâu nhé, chủ quán phải có kinh nghiệm phân biệt được đâu là sách thật và sách giả vì không ít trường hợp sách in sai, in lậu sẽ được đưa vào các nhà sách cũ để bán lại, nếu bị khách hàng phát hiện sẽ mất uy tín mất khách như chơi. Còn đối với những đầu sách cổ thì nguồn hàng ngày càng khan hiếm, tới giờ hầu như là “mò kim đáy bể”.

Đường sách Nguyễn Văn Bình đang là địa điểm thu hút nhiều người đến tham quan mua sách

Nỗi niềm sách cũ thời hiện đại:

“Tuổi trẻ bây giờ hay đọc sách trên điện thoại, máy tính, hoặc đi photo sách, vừa nhanh vừa tiện. Còn mấy ai đi tìm sách cũ đâu. Những người đi tìm sách cổ thì nhiều, nhưng hiện nay nguồn sách này rất ít, không còn nhiều cuốn quý hiếm để tìm mua”_ Ông Minh Khoa (chủ tiệm sách cũ 209 Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận), có thâm niên 25 năm bán sách cũ chia sẻ. (Nguồn: sggp.org.vn)

Vài năm trở lại đây, khi quay lại những con đường đó, hình ảnh tấp nập nhộn nhịp người vào người ra với những quyển sách trên tay đã dần biến mất, thay vào đó là hình ảnh vắng vẻ thi thoảng mới có vài người ghé qua. Con đường Trần Huy Liệu đã yên tĩnh nay lại càng thanh vắng hơn xưa. Đáng buồn hơn là hầu như những cửa hàng sách cũ có tiếng một thời cũng đã dở bảng hiệu để chuyển sang loại hình kinh doanh khác vì không còn có thể kiếm sống bằng nghề bán sách cũ nữa rồi. Con đường sách Nguyễn Thị Minh Khai nay chỉ còn vài cửa tiệm mà thôi. Hầu hết những cửa hàng còn trụ lại chỉ là do lòng đam mê với sách cũ, với họ việc mở cửa bán hàng còn như một thói quen, là một nơi để những người yêu sách còn tìm về hàn huyên tâm tình về sách, chứ không đơn thuần chỉ là một kế mưu sinh…

Đối với sách cũ nếu còn người mua chắc chắn sẽ còn người bán Nguồn nguoiduatinvn

Chỉ một khoảng thời gian ngắn mà chúng ta đã thấy được sự phát triển nhanh chóng của hình thức đọc sách trong một xã hội ngày càng công nghệ hóa như hiện nay. Thời bây giờ chỉ cần một chiếc Smartphone là có thể làm được biết bao nhiêu là việc chứ nói chi tới việc tìm kiếm và đọc sách. Nhưng câu hỏi đặt ra là, đến giờ hình ảnh như ai đó cầm một quyển sách trên tay đã ngày càng hiếm hoi, vậy trong thời gian sắp tới nữa, liệu có còn chỗ đứng nào cho những tiệm sách cũ trong thời đại 4G này hay không?

_Via_

(Tổng hợp từ Internet)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.