Trang chủ Nhân vật Phạm Cao Củng

Phạm Cao Củng

311
0
Phạm Cao Củng
Quảng cáo

Nhà văn Phạm Cao Củng được coi là nhà văn chuyên viết truyện trinh thám thành danh đầu tiên trong văn học Việt Nam với hơn 20 cuốn tiểu thuyết trinh thám được nhiều độc giả thời kỳ ấy mến mộ.

1. Giới thiệu về nhà văn Phạm Cao Củng

Nhà văn Phạm Cao Củng sinh năm 1913 tại Nam Định (có tài liệu ghi ông sinh năm 1912 và là người Thái Bình) trong một gia đình giáo học, trọng chữ. Cụ thân sinh ra nhà văn Phạm Cao Củng là em của bà Phạm Thị Mẫn, vợ nhà thơ trào lộng nổi tiếng Thành Nam Trần Tế Xương (tức Tú Xương), là một giáo sư, dạy chữ nho (Hán tự) các lớp Nhất trường Tiểu học và các lớp từ năm thứ Nhất đến năm thứ Tư trường Thành Chung, tỉnh Nam Định.

Những tác phẩm truyện trinh thám của nhà văn Phạm Cao Củng

Con đường ông đến với văn chương rất đỗi giản đơn như là định mệnh cuộc đời: Trong những năm tháng học trò nghỉ hè ở trường Thành chung, cứ vào buổi trưa, ông thường hay phải trông cửa hàng cho người cô ruột. Thường thì buổi trưa khách đến mua hàng rất ít nên ông ngồi trông hàng chỉ canh chừng kẻ cắp, chứ không phải để bán hàng. Ngồi không vào buổi  trưa rất dễ buồn ngủ nên để khỏi ngủ gật, ông thường lấy giấy bút ra ngồi… viết văn.

2. Khởi nghiệp

Phạm Cao Củng khởi nghiệp bằng cách viết truyện trinh thám, kiếm hiệp, mạo hiểm kỳ tình… cho Nhà xuất bản Mai Lĩnh (Hải Phòng) với các bút danh Văn Tuyền, Trần Lang, Phương Trì và cho các báo Loa, Phong Hóa, Ngày Nay ký tên là Phạm Cao Củng, Phạm Thị Cả Mốc, Án Cao…

Trong tập “Nhà văn hiện đại” của Vũ Ngọc Phan (xuất bản năm 1943), nhà phê bình này nhắc đến Phạm Cao Củng khá trân trọng: “Cái đặc biệt mà người ta thấy ở tiểu thuyết trinh thám Phạm Cao Củng là những nhân vật và khung cảnh do ông sáng tạo đều có tính chất Việt Nam, hợp với trình độ người Việt Nam ta hiện thời, không như mấy nhà tiểu thuyết trinh thám khác đi nhặt những mẩu chuyện ly kỳ của Tây phương rồi cố gò ép vào những khung cảnh lai Việt, lai Pháp… Nếu xét truyện trinh thám của Phạm Cao Củng trong phạm vi tương đối, người ta thấy đến nay ở nước ta, trong các tiểu thuyết trinh thám của Thế Lữ, Bùi Huy Phồn và Phạm Cao Củng, chỉ có tiểu thuyết của Phạm Cao Củng là có phần đặc sắc hơn cả”.

“Sự thực, viết truyện trinh thám ở nước ta rất khó, vì dân ta vốn tính bình dị, ngay trong xã hội ít thấy xảy ra những vụ trộm hay án mạng khả dĩ có thể gọi là ly kỳ, bí mật. Phần lớn dân ta chưa hề trông thấy chính mắt một khẩu súng lục bao giờ, hiểu biết rất ít về cơ khí và hóa học, lại rất hiếm ai có được một chiếc xe hơi riêng của mình. Vì thế cho nên những vai chính trong truyện trinh thám Việt Nam chẳng thể mỗi lúc giơ được khẩu súng lục ra hay bắn nhau, không thể có được những nhà hầm có cơ quan bí mật hay luôn luôn nhảy lên xe hơi theo dõi quân gian như ở trong nhiều truyện trinh thám Tây Âu. Chính vì thế mà luôn luôn tôi chỉ ao ước viết được những truyện trinh thám mà có thể xảy ra trong xã hội Việt Nam, và vai chính cần phải có được những tính cách hoàn toàn Việt Nam”

Nhà văn Phạm Cao Củng từng tâm sự

3. Giang Đông tam hiệp

Bộ kiếm hiệp giả Tàu đầu tiên mà Phạm Cao Củng viết có tên Giang Đông tam hiệp, in dài kỳ trên Hải Phòng Tuần báo. Bộ truyện này khiến độc giả của báo như phát cuồng vì thích, còn bộ sậu tòa soạn thì sướng như điên.

Sở dĩ, Giang Đông tam hiệp hút khách là vì Phạm Cao Củng chọn lối viết nửa Tây như kiểu trinh thám, nửa phương Đông huyền bí. Chứ không chỉ là lối cổ như các cây bút Tàu chính hiệu. Bộ truyện này Phạm Cao Củng ký bút danh là Văn Tuyền. Phạm Cao Củng kể: “Sở dĩ, tôi bạo gan làm chuyện này (viết kiếm hiệp giả Tàu – N.K.L) là vì khi còn nhỏ, tôi vẫn phải thuê nhiều pho truyện Tàu của nhà sách Hội Ký đem về đọc cho thầy cô (bố mẹ) tôi nghe, nên tôi đã thấm nhuần lối viết truyện Tàu và thấy rằng sau khi đọc kỹ mấy truyện loại Thất kiếm Thập tam hiệp do ông Vũ Đình Long xuất bản, tôi có thể sáng tác những truyện kiếm hiệp giả Tàu không khó khăn gì. Tên các nhân vật, kể cả hỗn danh nữa, cũng như các thế võ bí truyền thì tôi đã sẵn có trong đầu một mớ chữ Hán mà trước đây ở nhà, phải đứng hầu điếu đóm các bữa tiệc uống rượu ngâm thơ của mấy ông bạn nhà nho với thầy tôi, nghe các cụ bình thơ tôi đã nhập tâm khá nhiều”.

Sự thành công của Giang Đông tam hiệp đã khiến ông Đỗ Xuân Mai nảy ra sáng kiến kinh doanh hốt bạc. Ông thúc Phạm Cao Củng nhanh nhanh “dịch” thêm một bộ kiếm hiệp mới để in thành tập, mỗi tập 16 trang, bán với giá 3 xu/tập, phát hành hàng tuần.

Đang vui, Phạm Cao Củng viết bộ Lục kiếm đồng, danh tiếng của bộ truyện này vang rền từ Nam chí Bắc, ăn khách hơn cả những bộ kiếm hiệp Tàu được chuyển ngữ xịn. Trong cơn hưng phấn, ông Đỗ Xuân Mai tức tốc ra Hà Nội xin giấy phép để ra tờ Tiểu thuyết Nhật báo nhằm mỗi ngày in một truyện kiếm hiệp của dịch giả Văn Tuyền (tức Phạm Cao Củng) với giá 3 xu.

Chữ của Phạm Cao Củng lúc này đích xác là vàng mười. Hằng ngày, Phạm Cao Củng viết 1 truyện kiếm hiệp 16 trang, nhận ngay tiền nhuận bút từ 8 đến 12 đồng. Phở bấy giờ tầm từ 4 đến 5 xu, nhà trọ bình dân 3 đồng/tháng, lương tri huyện mới được bổ nhiệm chỉ khoảng 120 đồng/ tháng. Nghĩa là thu nhập của Phạm Cao Củng thuộc vào hàng, ăn chơi không cần nghĩ.

4. Ông vua truyện trinh thám Việt Nam

Nhà văn Phạm Cao Củng không chỉ được coi là nhà văn trinh thám thành danh đầu tiên trong văn học Việt Nam với hơn 20 cuốn tiểu thuyết trinh thám được nhiều độc giả thời kỳ ấy mến mộ lần lượt được công bố trên tạp chí Tiểu thuyết thứ bảy như “Vết tay trên trần” và “Gia tài nhà họ Đặng” (1937), “Máu đỏ lòng son” (1937) “Chiếc tất nhuộm bùn” (1938), “Người một mắt” (1940), “Kỳ Phát giết người” và “Nhà sư thọt” (1941), “Kỳ Phát cưới vợ”, “Đôi hoa tai của bà Chúa”, “Đám cưới Kỳ Phát”, (cả ba tác phẩm này đều được công bố năm 1942)… mà ông còn được biết đến là một nhà báo, chiến sĩ công an trong thời kỳ đầu xây dựng và phát triển của đội ngũ những người cầm bút trong lực lượng CAND của tờ Công an Mới (tiền thân của Báo CAND ngày nay).

Nhạc sĩ tài hoa đoản mệnh Đặng Thế Phong, một cậu em trong nghiệp viết lách của Phạm Cao Cũng từng ngạc nhiên: “Anh (Phạm Cao Củng – N.K.L) nói cho em biết đi, em sống bên cạnh anh suốt ngày, không thấy một giây phút nào anh suy nghĩ để viết. Còn ban đêm cũng thế, anh đặt mình xuống là ngủ pho pho, nhưng vậy thì làm cách nào để đặt thành câu chuyện có lớp lang, có thắt mở mà hễ ngồi xuống là viết thành truyện ngay, thực lạ lùng hết sức”.

“Thường sau bữa ăn chiều, tôi rủ một số em nhỏ đi dạo mát. Vừa đi, tôi vừa kể cho các em nghe thành tích phá án của nhân vật thám tử Kỳ Phát mà tôi đang viết dở. Thật ra, tôi chưa viết, chỉ là tưởng tượng để kể thôi. Thành thử, cứ ngồi vào bàn viết thì những chi tiết cần tôi đã từng kể cho các em rồi, nó như là một bản nháp vậy”

Phạm Cao Củng thừa nhận

Chính thói quen này cộng thêm thói quen mỗi lần đọc truyện trinh thám của Tây, Phạm Cao Củng đều dừng lại ở một số đoạn rồi tự đoán xem đoạn kế tiếp, tác giá có viết như đúng theo suy nghĩ của mình hay không.

Những năm tháng say mê ấy, Phạm Cao Củng đặt lịch làm việc rất khoa học. Sáng dậy sau 8 giờ, kế đến tiếp bạn bè đến trưa. Ăn cơm xong là cắm đầu viết, viết xong giao bản thảo nhận tiền rồi đi chơi. Vì có nhiều đặt hàng quá, Phạm Cao Củng phải nhờ hai người bạn thân viết những đoạn tả cảnh mây mưa núi sông, đối thoại tranh cãi không cần thiết, tên nhân vật của truyện thì Phạm Cao Củng đã viết sẵn trên bảng đen dựng trước mặt.

Tính đến trước lúc Phạm Cao Củng dứt duyên với ông chủ Mai Lĩnh là Đỗ Xuân Mai, thì ông đã viết tầm 70 hay 80 bộ kiếm hiệp giả Tàu, có bộ dày đến 3 nghìn trang. Mấy mươi cuốn mạo hiểm kỳ tình (ký bút danh Phượng Trì), hai mươi cuốn trinh thám Kỳ Phát, rồi còn khảo cứu, truyện ngắn chọn lọc đủ cả. Mà thể loại nào cũng đều vài mươi cuốn.

Năm 2011, NXB Công An Nhân Dân đã in lại Truyện trinh thám Phạm Cao Củng và mới nhất, năm 2012, Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn đã in Hồi ký Phạm Cao Củng. Cuốn hồi ký được ông viết trong nhiều năm và dừng lại ngày 31-3-1999 giúp người đọc hình dung về cuộc đời của một nhà văn đi từ những buổi đầu tiên của nền văn chương báo chí hiện đại.

Tổng hợp

Quảng cáo
Bài trướcHướng dẫn chụp màn hình Website trên Safari 2022
Bài tiếp theoHướng dẫn kết nối thiết bị Iphone, Ipad với máy Mac qua Internet không cần dây cáp 2022
Nếu thấy bài viết của mình hay và hữu ích. Hãy chia sẻ nó tới nhiều bạn khác với nhé.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.