Năm 430 TCN: Bệnh dịch thành Athens

Đại dịch được ghi nhận sớm nhất xảy ra trong Chiến tranh Peloponnisos. Sau khi lây truyền khắp Libya, Ethiopia và Ai Cập, căn bệnh đã vượt qua các bức tường của Athens khi bị quân đội Sparta bao vây. Có đến 2/3 dân số đã chết trong đại dịch này.

Các triệu chứng của bệnh gồm sốt, khát nước, cổ họng và lưỡi chảy máu, da mẩn đỏ và tổn thương. Căn bệnh được cho là thương hàn, làm giảm đáng kể sức mạnh của cư dân Athens và góp phần lớn trong thất bại của họ trong cuộc chiến với quân Sparta.

Năm 165 SCN: Dịch bệnh Antonine

Dịch bệnh Antonine có thể là sự xuất hiện sớm của bệnh đậu mùa khởi đầu từ người Hung. Người Hung sau đó đã lây nhiễm cho người Đức, người Đức lây cho người La Mã, sau đó những đội quân hồi hương lan truyền khắp đế chế La Mã. Các triệu chứng bao gồm sốt, đau họng, tiêu chảy, nếu bệnh nhân sống đủ lâu, những vết loét đầy mủ. Dịch bệnh này kéo dài cho đến khoảng năm 180 SCN, và Hoàng đế Marcus Aurelius là một trong những nạn nhân của nó.

Năm 250 SCN: Dịch bệnh Cyprian

Đặt theo tên giám mục Kitô giáo của Carthage và cũng là bệnh nhân đầu tiên được biết đến, dịch bệnh Cyprian gây ra tiêu chảy, nôn mửa, loét cổ họng, sốt, hoại tử bàn tay và bàn chân.

Dịch bệnh có khả năng bắt nguồn từ Ethiopia, quét qua Bắc Phi, vào Rome, sau đó đến Ai Cập và lan về phía bắc. Những đợt bùng phát xảy ra định kỳ trong suốt 3 thế kỷ sau đó.

Năm 541 SCN: Dịch hạch Justinian

Xuất hiện đầu tiên ở Ai Cập, đại dịch Justinian lan rộng khắp Palestine và Đế quốc Đông La Mã, sau đó là khắp Địa Trung Hải.

Đại dịch khiến Hoàng đế Justinian phải hủy bỏ kế hoạch hợp nhất Đế chế La Mã và gây khủng hoảng kinh tế lớn. Nó còn tạo ra bầu không khí tận thế, thúc đẩy sự mở rộng nhanh chóng của Kitô giáo.

Các đợt tái bùng phát trong hai thế kỷ tiếp theo đã giết chết khoảng 50 triệu người – 26% dân số thế giới. Đây được cho là lần đầu tiên bệnh dịch hạch xuất hiện với tác động lớn, với đặc điểm tuyến bạch huyết mở rộng, mầm bệnh nằm trên chuột và bị bọ chét lan truyền.

Thế kỷ 11: Bệnh phong

Mặc dù đã có từ rất lâu, nhưng bệnh phong trở thành một đại dịch ở châu Âu là vào thời trung cổ, dẫn đến việc xây dựng nhiều bệnh viện chuyên trị phong để đáp ứng số lượng lớn bệnh nhân.

Bệnh phong là căn bệnh do vi khuẩn, phát triển chậm rãi, gây ra những vết loét và dị dạng, vì vậy nó được cho là một hình phạt từ Thiên Chúa. Niềm tin này khiến bệnh nhân bị kỳ thị và xa lánh.

1350: Cái chết đen

Gây ra cái chết cho 1/3 dân số thế giới, lần bùng phát thứ hai của bệnh dịch hạch có thể bắt đầu từ châu Á và di chuyển về phía tây trong các đoàn lữ hành. Sau đó, nó nhanh chóng lan rộng khắp châu Âu. Người chết nhiều đến mức nhiều cái xác bị vứt bỏ la liệt trên phố, phân hủy và bốc mùi khắp các thành phố.

Anh và Pháp bất lực trước nạn dịch hạch đến nỗi phải đình chiến. Hệ thống phong kiến Anh quốc sụp đổ khi đại dịch thay đổi hoàn cảnh kinh tế và nhân khẩu học.

(Nguồn: History.com)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.