“Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày.” Qủa thật không có gì có thể sánh được với sự hy sinh của cha mẹ dành cho con cái, nhưng có bao nhiêu người con có thể thương yêu cha mẹ mình một cách vô điều kiện. Dù cho bạn có là người con có hiếu đến đâu thì cũng đôi lúc bạn cũng cảm thấy họ phiền, trách cứ họ, hay vô tình nói những lời khiến họ đau lòng…
Mục lục:
Mẹ ơi, sao sợi tóc lại bạc một nửa hả mẹ?
Cả nhà có mỗi anh cả là học cao nhất. Anh còn đỗ vào một trường đại học lớn trên thủ đô. Dưới quê mẹ nhịn ăn nhịn mặc góp nhặt từng đồng tiền ít ỏi từ mớ rau, con ốc, con cua bắt được ngoài đồng.
Mấy đứa em nheo nhóc cũng cùng mẹ chịu khổ để gom góp tiền gửi cho anh. Ngày anh được nhận vào một công ty lớn cả nhà vỡ òa lên sung sướng, riêng mẹ thì không giấu nổi những giọt nước mắt hạnh phúc.
Từ khi đi làm, anh cả ít về thăm gia đình hẳn, có khi đến cả năm mới về thăm nhà một lần. Hôm ấy anh báo sẽ về, cả nhà vui mừng khôn xiết. Mong anh về, cả đêm mẹ trằn trọc không ngủ được.
Tờ mờ sáng, mẹ đã tất tưởi đi chợ để chọn những thực phẩm thật tươi ngon để nấu cho anh. Mẹ bảo: “Anh mày đi xa lâu ngày, làm việc vất vả, làm gì có thời gian để nấu được một bữa cơm đầy đủ, khổ thân nó!”.

Ấy thế mà trong bữa cơm, khi cả nhà ai nấy đều rôm rả, vui mừng khôn xiết khi có anh về ngồi cùng mâm ăn cơm thì anh cả mặt lại thừ ra, khều lên một sợi tóc trong đĩa rau rồi gắt:
“Kiểu này trên con chỉ có nước đổ hết đi, con sẽ phạt! phạt! phạt… trừ hết vào lương”.
Vừa nói, anh vừa ngấm nguẩy dừng ăn, bỏ lên nhà. Mẹ ngồi thừ ra chẳng nói được lời nào. Thằng Út ngây thơ không hiểu chuyện, cầm sợi tóc lên gọi mẹ ngọng nghịu:
“Mẹ ơi, sao sợi tóc lại bạc một nửa hả mẹ?”
Cua rang muối
Khi xưa nhà còn nghèo, mẹ hay mua cua đồng giã làm cua rang muối. Cua đồng cứng nhưng mẹ khéo tay chiên giòn, ướp đủ gia vị nên thật thơm ngon. Thấy các con tranh nhau ăn, mẹ nhường. Các con hỏi, mẹ bảo: “Răng yếu”.
Giờ, các con đã lớn, nhà khá hơn, chúng mua cua biển gạch son về rang muối mời mẹ. Các con nói vui:
“Cua rang muối thật đó mẹ”.
Rồi chúng ăn rất ngon. Riêng mẹ không hề gắp. Các con hỏi, mẹ cười móm mém:
“Còn răng đâu mà ăn?”
Tiền cứu trợ
Lũ. Mẹ nhắn lên: “Nhà ngập, con đừng về!”
Mỗi ngày, con cùng những người bạn trong đội công tác xã hội của trường cầm thùng lạc quyên vào các giảng đường, lớp học quyên góp tiền cứu trợ đồng bào miền Tây.

Truyền hình vẫn tiếp tục đưa tin về hình ảnh lũ lụt ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có quê mình. Con số người và của cải mất mát cứ tăng dần. Con sốt ruột, nôn nóng.
Hôm qua, cả nhà bác Ba kéo nhau lên ở tạm nhà chị Hai. Con sang hỏi thăm. Ra về, bác gái gởi con một gói mỏng và bảo: “Tiền cứu trợ, ba mẹ con gởi lên cho con đó!”.
Chiếc dây chuyền bạc
Bố kể rằng, ngày mới lấy mẹ về, bố chỉ ao ước tặng mẹ một chiếc dây chuyền bạc. Nhưng mỗi lần định mua mẹ lại tìm cách từ chối nào là mua sữa, quần áo, nào là sách vở, đóng học phí cho con… Đến bây giờ mắt mẹ đầy vết chân chim, da mẹ đã nhăn nheo, mẹ vẫn chưa một lần có dây chuyền để đeo.

Mấy anh em bảo nhau đập con lợn đã tiết kiệm lâu nay để mua tặng mẹ một chiếc dây chuyền thật đẹp. Mẹ chẳng đeo mà gói cất thật kỹ, thỉnh thoảng lại lôi ra ngắm rồi tủm tỉm cười. Mấy đứa thắc mắc hỏi sao mẹ không đeo, mẹ chỉ cười và bảo:
“Mẹ già rồi, da nhăn nheo hết cả, chỉ cần ngắm thôi là mẹ cũng đã vui và hạnh phúc lắm rồi!”
Mấy anh em, đứa nào cũng nghẹn ngào, ôm lấy mẹ, nước mắt rưng rưng…
Mẹ vui lắm
Mẹ sốt ruột tay xách nách mang bao nhiêu thứ nào trứng, nào gà, nào rau mang lên thăm cháu mới chào đời rồi xem luôn vợ chồng nó ăn ở thế nào. Hai vợ chồng mới đón đứa con đầu lòng lại mới chuyển sang nhà mới ở nên nhà cửa bừa bộn, lung tung thứ.
Ấy thế mà vừa lên bà chỉ kịp ôm “thằng cún của bà” một tý rồi tất bật dọn dẹp nào giặt giũ, lau chùi nhà cửa, lại rửa chén đĩa… suốt cả ngày. Chiều tối giữ mẹ ở lại để đưa mẹ đi chơi, mẹ bảo phải về thôi, mẹ sốt ruột nhà cửa ở nhà không ai trông nom.
Về quê gặp người làng trên xóm dưới họ hỏi mẹ lên thăm vợ chồng nó có vui không. Mẹ cười toe toét bảo: “Vui lắm, tuần sau tôi lại lên!”.
Tình cảm của mẹ dành cho những đứa con vẫn cứ bao la và vĩ đại như thế. Nếu ai đó may mắn vẫn còn mẹ trên đời, hãy yêu thương và quan tâm mẹ hơn nữa, hãy trân trọng từng phút giây bên mẹ, bởi bạn sẽ chẳng bao giờ biết được điều gì sẽ đến với mẹ vào ngày mai.
“Mẹ lạnh lắm phải không?”
Vào một đêm Giáng Sinh lạnh giá, một thiếu phụ mang thai biết mình sắp chuyển dạ nên cô tìm người giúp đỡ. Cô nghĩ đến nhà người bạn và mò mẫm bước đi khó nhọc. Đến một con mương sâu có cây cầu bắc ngang, thật không may cô trượt chân té, cơn đau đẻ quặn lên.
Cô biết mình khó lòng đi xa hơn và đơn thân sinh được một bé trai. Không có gì ấm áp hơn ngoài chiếc áo bông dày cô đang mặc, người mẹ chậm rãi gỡ bỏ tất cả áo quần đang mặc trên người để quấn đứa con đỏ hỏn, yếu ớt thành một cái kén. Một miếng bao tải xuất hiện gần đó, cô trùm nốt vào con và sức lực cũng cạn dần.
Sáng hôm sau, một người phụ nữ đi ngang cây cầu xe bỗng chết máy, cô chợt nghe tiếng khóc yếu ớt từ dưới vọng lại. Men theo tiếng khóc, bà tìm thấy một đứa trẻ sơ sinh nhỏ xíu, đói lả nhưng vẫn còn ấm, còn người mẹ đã chết vì lạnh cóng. Bà đem cậu bé về nuôi. Khi lớn lên, cậu bé thường hỏi mẹ nuôi về chuyện đã tìm thấy mình.
Một ngày nọ vào dịp sinh nhật lần thứ 12 của cậu, cũng là dịp Giáng Sinh, cậu nhờ mẹ nuôi đưa đến mộ người mẹ tội nghiệp. Cậu bé cầu nguyện và bắt đầu cởi tất cả quần áo trên người ra, đặt lên mộ mẹ mình, người cậu run lên bần bật và người mẹ nuôi chạy lại, nghe cậu bé thổn thức về người mẹ mà cậu chưa bao giờ biết mặt: “mẹ lạnh hơn con lúc này đúng không mẹ?”. Và cậu bé òa khóc: “mẹ lạnh lắm phải không?”
Cho ba bớt 2 ngàn

Học lớp 12, tôi không có thời gian về nhà xin tiền ba như 2 năm trước. Vì thế, tôi viết thư cho ba rồi ba đích thân đưa lên cho tôi.
Từ nhà đến chỗ tôi trọ học chừng 35 km. Nhà nghèo không có xe máy, ba phải đi xe đạp. Chiếc xe gầy giống ba…
Cuối năm, làm hồ sơ thi đại học, tôi lại nhắn ba.
Lần này, sau khi đưa cho tôi 100 ngàn, ba hỏi: “Có dư đồng nào không con?”.
Tôi đáp: “Còn dư bốn ngàn ba ạ”.
Ba nói tiếp: “Cho ba bớt 2 ngàn, để lát về, xe có hư như lần trước thì có tiền mà sửa”.
Ba về, tôi đứng đó, nước mắt rưng rưng…”
(Sưu tầm)
[…] nhẫn, nhiều kiến thức hơn và dần xem thường người cha, mẹ. Điều đó biến cha mẹ thành một “con nhím” thận […]