4 cái lười phổ biến mà chúng ta thường hay mắc phải. Có thể nhiều người cho rằng đây là điều bình thường không có gì đáng nói, nhưng thực sự nếu cứ tiếp tục qua năm này tháng nọ sẽ đem đến hệ luỵ nghiêm trọng.

1. LƯỜI VẬN ĐỘNG, TẬP THỂ DỤC

Đại học Stanford (Anh) đưa ra sau khi đã tiến hành thu thập dữ liệu từ điện thoại thông minh của hơn 700.000 người tại 46 quốc gia. Theo đó Việt Nam là một trong 10 nước có số người lười vận động nhiều nhất thế giới. Cũng theo nghiên cứu này, chính thực trạng trên đã giết chết khoảng 5,3 triệu người mỗi năm. Con số gây “SỐC” đến nỗi dẫn đến một hồi chuông báo động đến sức khỏe của mọi người. Ít ai biết, chính lười vận động là nguyên nhân của nhiều căn bệnh nguy hiểm, đặc biệt là Ung thư.

Với đa số bạn trẻ, vận động không phải điều bắt buộc. Ở tuổi này, các bạn thường có đề kháng tốt, cơ thể dẻo dai, ăn uống ngon miệng, do vậy tập thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe không được xem trọng. Ngay cả khi cần giữ vóc dáng đẹp, nhiều bạn chọn ăn kiêng thay vì vận động.

Ngoài ra, bây giờ con người không cần thực hiện nhiều hoạt động thể lực cũng có thể đảm bảo cuộc sống, bởi đã có nhiều thiết bị công nghệ, khoa học kỹ thuật tối tân phục vụ, giúp tiết kiệm công sức mang vác và thời gian đi lại. Chính nhịp sống của thời đại số phần nào đã tác động đến thói quen vận động của người trẻ. Việc ngồi máy lạnh với smartphone, tablet có kết nối Internet hấp dẫn các bạn hơn một chương trình ngoại khóa ngoài trời. Không ít bạn thích làm “anh hùng bàn phím, “sống ảo” hay lệ thuộc vào công nghệ, rồi quên đi hoạt động thú vị khác ngoài màn hình, trong đó có chơi thể thao. Sự chủ quan này dễ dẫn đến nhiều hậu quả, vì thiếu vận động là tác nhân thúc đẩy các bệnh tim mạch diễn ra sớm.

2. LƯỜI ĐỌC

Theo thống kê, người Việt đọc trung bình 0,8 cuốn sách/người/năm (tức là chưa được 1 cuốn sách). Tỉ lệ sách bình quân đầu người tại các thư viện công cộng là 0,38 cuốn. Báo cáo Vụ Thư Viện, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, tỷ lệ người Việt hoàn toàn không đọc sách chiếm 26%, thỉnh thoảng mới đọc sách chiếm đến 44% dân số.

Con số thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như: Singapore: 14 cuốn/năm, Malaysia: 10 cuốn/năm, Nhật là 20 cuốn… Những dân tộc hàng đầu thế giới như: Đức, Pháp, Isreal, một người dân đọc từ 20 cuốn sách/năm. 

Một thực tế là, nếu có đọc sách thì loại sách được giới trẻ đọc nhiều nhất là: truyện tranh (60%), kế đến là truyện ngắn (50%), truyện dịch (35%), tiểu thuyết trong nước (30%). Lướt qua con phố sách Đinh Lễ, Nguyễn Xí (Hà Nội) có thể thấy hàng loạt các tác giả như Tào Đình, Tiên Chanh, Cỏ Mạn, Trang Trang… được các bạn trẻ săn đón khi sách của họ được xuất bản.

 Rất hiếm người để tâm tới: “Thép đã tôi thế đấy”, “Những người khốn khổ”, “Nhà thờ Đức Bà Paris”… từng là sách “gối đầu giường” của nhiều thế hệ. Với họ, những quyển sách “gối đầu giường” đọc nhức đầu, mất nhiều tư duy, “hại não”, mất thời gian trong khi những tiểu thuyết dễ “tiêu hóa” hơn.

Sách là những tác phẩm trí tuệ của con người được tổng kết, đúc rút qua thời gian và sự phát triển của nhân loại. Việc lười đọc, ít đọc sách sẽ dẫn đến sự thiếu hụt tri thức đối với tầng lớp học sinh, sinh viên. Việc dành thời gian quá ít cho việc đọc đã khiến họ không có chiều sâu tri thức, lười vận động, thiếu năng lực nghiên cứu tìm tòi, đây là một hiểm họa cản trở sự phát triển của xã hội tri thức. Lười đọc, lười nghiên cứu dẫn tới một số cán bộ, công chức mất dần sự sáng tạo, ngại đổi mới, năng lực chuyên môn, khả năng lý luận hạn chế không thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Lười đọc sách nên vốn từ ngữ trở nên nghèo nàn, tố chất văn chương ngày càng kém. Nhiều câu văn ngô nghê, cẩu thả, trích dẫn tác phẩm sai lệch, râu ông nọ cắm cằm bà kia… Ngay cả trong lời ăn tiếng nói hàng ngày cũng nói chuyện cộc lốc, “đệm” tiếng Anh, tiếng Việt tùy tiện.

3. LƯỜI LAO ĐỘNG

Có một thống kê đáng buồn rằng nước ta hơn 90 triệu dân nhưng tổng sản phẩm quốc nội chỉ khoảng 200 tỷ USD, trong khi đó với 5 triệu dân nhưng Singapore đã tạo thu nhập bình quân đầu người gấp 17 lần Việt Nam! Một con số không mấy dễ chịu.

Những câu chuyện xưa như trái đất rằng: Việt Nam thừa thầy thiếu thợ, đất nước thiếu nhân tài, chảy máu chất xám, năng suất lao động thấp… cũng phần lớn bắt nguồn từ lười lao động mà ra. Đâu phải chỉ có bằng cấp cao, du học nước ngoài mới được gọi là nhân tài! Nhân tài không bước ra từ sách vở mà đi ra từ lao động!

Chính lao động là thước đo cho sự tiến bộ xã hội, là nền tảng của lịch sử loài người mà hình thái đầu tiên của nó không phải là lao động trí óc, đi giày tây và văn phòng sang trọng, mà là lao động chân tay. Nhiều bạn trẻ không nhận thức được nguyên tắc này nên họ coi lao động chân tay là thấp hèn, là kém sang trọng!?

Đất nước đã thoát ra khỏi chiến tranh mấy thập kỷ nay, với một lực lượng lao động hùng hậu, con người thông minh hiếu học, đáng lẽ phải phát triển nhanh, phát triển mạnh mới đúng, năng suất lao động phải đủ để đáp ứng nhu cầu của hội nhập.

Không biết những người Việt trẻ hôm nay nghĩ gì khi nghe ông Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhắc lại lời một chuyên gia kinh tế nổi tiếng tại diễn đàn tổng kết 30 năm phát triển kinh tế Việt Nam cách đây chưa lâu: “Hiện nay Hàn quốc xuất khẩu ông chủ sang Việt Nam, còn Việt Nam chủ yếu xuất khẩu lao động sang làm thuê cho Hàn Quốc!”.

4. LƯỜI TƯ DUY

“Tôi tư duy nên tôi tồn tại”. Đây là câu nói kinh điển về tầm quan trọng của tư duy với mỗi người của triết gia Rene Descartes.

Không thể phủ nhận, internet là một kho thông tin cực lớn, một trường học mở suốt 24/24. Chỉ cần vài cú click chuột người sử dụng có thể tiếp cận được những thông tin mà họ đang cần. Sau đó, chỉ một động tác vô cùng đơn giản là sao chép họ đã có được nguồn thông tin quý giá trong tay. Đó cũng chính là lí do vì sao hiện nay giới trẻ xem Google là chìa khóa vạn năng giải quyết những vấn đề của họ.

Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng của Internet trong đời sống ngày càng rộng tới mức nhiều người phải thốt lên : “ không có internet thì họ cũng chẳng biết phải làm gì.” Rõ ràng việc lạm dụng internet đã khiến nhiều người trở nên nghiện không khác gì sử dụng ma túy. 

Mỗi lần gặp những vấn đề gì trong cuộc sống hay học tập, thay vì tư duy để nghĩ ra cách giải quyết, giới trẻ có xu hướng tìm kiếm trên internet và sau đó làm theo. Đây cũng chính là nguyên nhân gây nên chứng bệnh lười tư duy.

Điều đáng nói ở đây nguồn thông tin trên internet không đảm bảo độ chính xác hoàn toàn 100%. Việc lạm dụng này đôi khi sẽ mang đến những hậu quả đáng tiếc.

Nếu bạn không biết tư duy thì bạn hơn gì loài vật? Chính nhờ biết tư duy mà bạn trở thành một con người. Khối óc bạn phải kiểm soát tình cảm và thân xác bạn, nó bắt buộc ý chí bạn làm việc. Địa vị của bạn, thành công của bạn, sức khoẻ của bạn và cá tính của bạn đều tuỳ thuộc cách bạn điều khiển khối óc. Một người tư duy như thế nào thì họ trở thành thế ấy.

(Tổng hợp từ internet)

Bài trước‘Những người hùng thầm lặng’ nhận ngàn like trên mạng xã hội
Bài tiếp theoThe Platform – Hố sâu đói khát: Hiểm họa và sự ích kỷ

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.